Bộ Công thương trả lời về việc khai thác quặng bauxite Tây Nguyên
Ngày 28-4, tại Hà Nội, đại diện Bộ Công thương đã giải trình một số ý kiến thắc mắc, quan ngại thời gian qua xung quanh việc tiến hành khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Báo SGGP giới thiệu một số nội dung chính được Bộ Công thương đề cập, những vấn đề được dư luận quan tâm xung quanh dự án này.
Bộ Công thương trả lời về việc khai thác quặng bauxite Tây Nguyên
Ngày 28-4, tại Hà Nội, đại diện Bộ Công thương đã giải trình một số ý kiến thắc mắc, quan ngại thời gian qua xung quanh việc tiến hành khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Báo SGGP giới thiệu một số nội dung chính được Bộ Công thương đề cập, những vấn đề được dư luận quan tâm xung quanh dự án này.
Đối với một số ý kiến cho rằng việc triển khai công nghiệp khai thác bauxite, sản xuất alumina - nhôm Việt Nam là vội vã, phát triển các dự án bauxite là không cần thiết..., Bộ Công thương khẳng định: Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bauxite, trong đó yếu tố quan trọng và quyết định là tài nguyên bauxite (5,4 tỷ tấn, đứng thứ 3 thế giới). Thế giới đã phát triển ngành công nghiệp này hơn 100 năm, thời điểm đối với Việt Nam đã chín muồi. Nếu làm tốt, ngành công nghiệp này có thể đóng vai trò là động lực để phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Phát triển ngành công nghiệp bauxite-alumina là một chủ trương lớn và hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta và đã được nêu trong văn kiện hai kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và X.
Về quy hoạch sản lượng các dự án, Bộ Công thương tái khẳng định Chính phủ mới đồng ý cho triển khai 2 dự án thí điểm tại Tân Rai và Nhân Cơ, theo phương thức Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) tự đầu tư để thử nghiệm công nghệ và thị trường. Các dự án khác lớn hơn cũng đang trong quá trình thăm dò và nghiên cứu lập dự án.
Về địa điểm đặt nhà máy alumina, theo Bộ Công thương, phương án bố trí nhà máy tại Tây Nguyên có thể hiệu quả kinh tế thấp hơn so với đặt tại khu vực ven biển, nhưng bảo đảm yếu tố tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên thông qua việc xây dựng tuyến đường sắt đa dụng, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương, tạo điều kiện cho việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và các loại hình dịch vụ, đáp ứng lợi ích của nhân dân địa phương, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Trước một số ý kiến lo ngại việc phát triển các mỏ khai thác bauxite sẽ chiếm đất, rừng Tây Nguyên, Bộ Công thương cho biết, với tỉnh Đắc Nông, tổng diện tích khai thác của toàn bộ các mỏ bauxite chiếm 8,6% diện tích toàn tỉnh; với riêng dự án Nhân Cơ, diện tích khai mỏ bauxite chỉ chiếm 1,53% diện tích toàn tỉnh. Đối với tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích sẽ khai thác các mỏ bauxite chiếm 1,4% tổng diện tích toàn tỉnh; riêng với dự án Tân Rai, diện tích khai thác mỏ bauxite chỉ chiếm 0,29% diện tích toàn tỉnh. Như vậy, việc khai thác các mỏ bauxite không phải là yếu tố tác động lớn đến việc mất đất rừng hoặc đất trồng cây công nghiệp.
Thời gian qua, dư luận băn khoăn nhiều về việc chọn lựa công nghệ, nhất là có ý kiến lo ngại công nghệ Trung Quốc (TQ) không phù hợp, đối tác TQ không có công nghệ nguồn, không chuyển giao công nghệ tiên tiến...; TKV cho biết cả 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều lựa chọn công nghệ Bayer. Công nghệ này đối với quặng bauxite Tân Rai và Nhân Cơ đều đã được lấy mẫu, thử nghiệm công nghệ và cho kết quả tốt; đối tác cam kết thực hiện theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu về công nghệ Bayer tiên tiến. TQ có kinh nghiệm, có công nghệ sản xuất alumina, điện phân nhôm và là một trong các nhà sản xuất alumina - nhôm hàng đầu thế giới hiện nay. Công nghệ TQ đã được kiểm chứng qua thực tế và có thể áp dụng cho các dự án ở VN.
Trước những ý kiến quan ngại về ảnh hưởng môi trường của các dự án bauxite, Bộ Công thương cho rằng khai thác và chế biến bauxite Tây Nguyên không thể tránh khỏi những tác động môi trường nhất định. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế của thế giới cho thấy những tác động môi trường này hoàn toàn có thể khống chế tới mức an toàn cần thiết. Kết quả phân tích bùn đỏ của bauxite Tây Nguyên đã có kết luận tin cậy về thành phần bùn đỏ không có chất gây độc hại cho môi trường, không có chất phóng xạ và không thuộc loại rác nguy hiểm.
Một lần nữa Bộ Công thương khẳng định, 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ là do ta tự đầu tư (chủ đầu tư là tập đoàn nhà nước TKV). Đến thời điểm này, chưa có bất kỳ một dự án nước ngoài hoặc liên doanh nào về khai thác bauxite, sản xuất alumina tại Việt Nam được thỏa thuận. Như vậy, thông tin về việc TQ đóng cửa các mỏ bauxite và chuyển sang khai thác bauxite ở VN là không đúng thực tế.
Theo Bộ Công thương, ở chừng mực nhất định, dự án khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên cũng sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, phong tục – tập quán và văn hóa xã hội của một bộ phận nhỏ người dân bản địa. Theo số liệu của 2 dự án thí điểm thì dự án Tân Cơ có 1.639 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 404 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; cần tái định cư 700 hộ, trong đó có 230 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án Nhân Cơ có 861 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 15 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cần tái định cư 83 hộ, không có hộ đồng bào dân tộc thiểu số cần tái định cư.